Vì sao thoái hóa đốt sống cổ thường dễ bị bỏ qua?
Thoái hóa đốt sống cổ là một bệnh phổ biến, nhưng dễ bị lầm lẫn với các triệu chứng mệt mỏi, căng thẳng thông thường.
Nhiều người cho rằng thoái hóa cột sống cổ chỉ xảy ra ở những người già khi xương khớp bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, thoái hóa đốt sống cổ giờ đây không còn là nỗi ám ảnh của riêng người lớn tuổi mà ngay cả những người trẻ - thường xuyên “làm bạn” với máy tính, điện thoại thông minh cũng đang phải đối mặt. Khi sử dụng các thiết bị này cho mục đích công việc và giải trí, họ thường phải giữ cổ ở một tư thế trong thời gian dài. Thói quen này dẫn đến tình trạng đau mỏi cổ, vai, gáy cứ thế tăng dần đến mức không thể chịu đựng, do các đốt sống cổ bị thoái hóa.

Khi rễ thần kinh bị chèn ép, người bệnh có thể bị tê, mất cảm giác hoặc yếu phần vai lan xuống tay.
Thoái hóa cột sống cổ dễ bị nhầm lẫn với mệt mỏi, căng thẳng do công việc
Giai đoạn đầu của quá trình thoái hóa, người bệnh có thể không thấy cảm giác gì khác thường. Nhưng sau một thời gian, bệnh thoái hóa đốt sống cổ tiến triển sẽ xuất hiện các triệu chứng mỏi vùng cổ - vai, đau vùng cổ - gáy. Như trường hợp của chị Xuân, 27 tuổi, làm công việc văn phòng tại Hà Nội: một dạo chị thường xuyên thấy căng mỏi cổ, nhưng nghĩ do công việc nhiều, không có thời gian giải lao, vận động nên cơ thể mệt mỏi, đau nhức. Đến khi đau không chịu được, đi khám thì chị mới biết mình đã bị thoái hóa đốt sống cổ.
Chị Xuân cũng như nhiều người bệnh khác, thường nhầm lẫn chứng đau mỏi cổ do thoái hóa cột sống cổ với mệt mỏi do công việc, căng thẳng - tưởng rằng chỉ cần nghỉ ngơi điều độ, bệnh sẽ tự động khỏi hẳn. Đến khi tình trạng đau nhức trầm trọng, người bệnh mới bắt đầu đi tìm phương pháp giảm đau, khắc phục bệnh.
Dấu hiệu cho thấy bệnh thoái hóa cột sống cổ trở nặng là khi cơn đau tăng mạnh và xuất hiện thường xuyên hơn, làm hạn chế xoay đầu và cổ. Kèm theo đó là cảm giác tê như “kiến bò” hoặc đau giống như bị “điện giật” lan từ vai xuống đến ngón tay, giảm cảm giác các ngón tay và đau nhức hai bên đầu.
Những ai có nguy cơ mắc thoái hóa đốt sống cổ?
Thoái hóa đốt sống cổ thường gặp ở những người có tư thế lao động thường xuyên phải cúi hay sử dụng nhiều động tác ở vùng đầu, cổ, hoặc có cường độ lao động cao,. Cụ thể, người làm nông, thợ cắt tóc, thợ sơn trần, diễn viên xiếc, chuyên gia nha khoa, người làm việc với máy tính nhiều…thường bị bệnh này.

Thợ cắt tóc hay những người làm việc vận động cột sống cổ nhiều có nguy cơ cao bị thoái hóa đốt sống cổ.
Bên cạnh đó, người cao tuổi (do quá trình lão hóa của xương khớp), người có thói quen hút thuốc lá, phụ nữ sau mãn kinh, người dùng thuốc kháng viêm thuộc nhóm corticoid kéo dài hoặc những người có người thân bị thoái hóa đốt sống cổ cũng là những người có nguy cơ cao bị bệnh này
Đặc biệt, những người ngồi lâu, ngồi làm việc không đúng tư thế là đối tượng dễ bị thoái hóa đốt sống cổ nhất. Dân văn phòng là những người thường phải ngồi trước máy tính nhiều giờ, cúi gập cổ hoặc giữ nguyên tư thế, ít vận động trong thời gian dài. Nhiều người lại còn có thói quen đặt tay trên bàn làm việc quá cao hoặc quá thấp, đổ về phía trước hoặc ngồi không thẳng lưng. Chính những thói quen sinh hoạt sai lệch, giữ lâu một tư thế kể trên làm gia tăng căng thẳng lên các nhóm cơ, đĩa đệm ở cổ và lưng; từ đó gây ra các sang chấn và đẩy nhanh tốc độ thoái hóa cột sống, trong đó có đốt sống cổ.
Ngoài ra, những người sử dụng gối ngủ không phù hợp, không có thói quen chuyển mình khi ngủ mà chỉ nằm 1-2 tư thế… cũng có thể mắc bệnh thoái hóa đốt sống cổ.
Các biến chứng có thể gặp
Nếu bệnh thoái hóa đốt sống cổ trở nặng, người bệnh có thể gặp phải các biến chứng như:
- Đau dọc từ cổ xuống vai và cánh tay do đốt sống cổ thoái hóa rồi chèn ép thần kinh;
- Đau đầu, chóng mặt do đốt sống cổ chèn ép các động mạch đốt sống ;
- Yếu, đau tứ chi, đi lại khó khăn hoặc liệt không vận động được do đốt sống cổ chèn ép tủy sống.

Khi thoái hóa cột sống cổ, người bệnh có thể bị chóng mặt, đau đầu thường xuyên.
Bên cạnh đó, thoái hóa đốt sống cổ cũng có thể gây nên hội chứng tủy với các biểu hiện:
- Đi không vững, cảm giác tê ở thân, bàn tay; các ngón tay cử động vụng về, liệt và teo cơ
- Liệt chân hoặc tay
- Teo cơ ngọn chi
- Đi bộ khó khăn
- Rối loạn cảm giác tê bì ngọn chi trên, mất vận động chi trên
- Mất vận động chi dưới
- Rối loạn cơ thắt, tiểu tiện khó, són, ngắt quãng
Chẩn đoán và điều trị
Để chẩn đoán cũng như đánh giá các loại tổn thương do bệnh thoái hóa cột sống cổ, ngoài việc khám bệnh, chuyên gia có thể sẽ phải thực hiện một số các khảo sát hình ảnh như: chụp X- quang cột sống cổ nhiều tư thế, chụp cắt lớp đa lát cắt (MS CT Scan), chụp cộng hưởng từ cột sống cổ (MRI), đo mật độ xương (nhằm kiểm tra độ loãng xương) …

Chẩn đoán bệnh thoái hóa cột sống cổ.
Tùy theo tình trạng cụ thể của người bị bệnh thoái hóa đốt sống cổ, các chuyên gia sẽ chỉ định cải thiện nội khoa (cho dùng thuốc), phối hợp với các phương pháp vật lý trị liệu hay phẫu thuật. (trong trường hợp cải thiện nội khoa không hiệu quả, chuyên gia sẽ xem xét khả năng can thiệp thủ thuật hay phải phẫu thuật nhằm lấy đi các thương tổn gây chèn ép thần kinh và làm cho cột sống phần nào được vững chắc trở lại).
Phòng ngừa thoái hóa đốt sống cổ
Để tránh bị thoái hóa cột sống cổ cũng như làm chậm sự tiến triển của bệnh (đối với người đã bị thoái hóa đốt sống cổ), cần thay đổi tư thế làm việc sai lệch hằng ngày. Theo đó cần giữ đầu và cổ luôn thẳng khi làm việc, tránh những chấn thương cho cột sống cổ bằng cách không đội vật nặng trên đầu, cúi hoặc ngửa đầu quá mức; không nên có động tác vặn bẻ cổ đột ngột khi thấy mỏi, bởi tất cả những động tác xoay đầu đột ngột sẽ làm tăng thoái hóa đốt sống cổ. Về ăn uống, không hút thuốc lá và sử dụng các chất kích thích có hại cho sức khỏe như rượu, bia… Khi có cảm giác đau cổ hoặc tê nhiều ở vùng tay nên xoa bóp để giảm đau, giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Khi ngủ tránh nằm gối cao vì sẽ tác động nhiều đến cột sống cổ, gây đau tê nhiều hơn. Cần luyện tập thể dục thể thao nhẹ nhàng, phù hợp với sức khỏe (cần tham khảo ý kiến chuyên gia về phương pháp luyện tập).
Đối với dân văn phòng cần hạn chế ngồi gập cổ về phía trước quá lâu hoặc ngửa cổ ra phía sau quá nhiều. Nên ngồi bàn ghế làm việc có kích thước phù hợp, không quá cao hoặc thấp, màn hình máy tính đặt ngay tầm mắt. Ngồi đúng tư thế: lưng thẳng, cánh tay đặt 2 bên, khuỷu tay tạo với cơ thể một góc 90 độ, cổ tay thẳng, hai chân chạm sàn. Sau khoảng 1 tiếng làm việc, cần đứng lên thư giãn, xoa bóp vùng cổ vai.

Bài viết khác
Tin nổi bật