Thoái hóa khớp háng – Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Thoái hóa khớp háng thường khó phát hiện và diễn tiến chậm. Dù không nằm trong ba nhóm thoái hóa khớp thường gặp (thoái hóa khớp gối, thoái hóa cột sống cổ & thắt lưng) nhưng nếu không được điều trị kịp thời sẽ để lại nhiều di chứng ảnh hưởng đến vận động.

Thoái hóa khớp háng nên làm gì

Thoái hóa khớp háng là gì?

Thoái hóa khớp háng là một trong những loại bệnh xảy ra phổ biến ở người già, nó khiến cho bề mặt sụn mòn dần theo thời gian, từ đó phá hủy cấu trúc khớp háng. Người bệnh thường sẽ cảm thấy đau nhức dai dẳng, mọi lối sống sinh hoạt dần bị ảnh hưởng và nếu như không được điều trị sớm e là sẽ dẫn đến hiện tượng tàn phế vĩnh viễn.
Phần khớp háng được cấu tạo từ một chỏm xương đùi có dạng hình cầu và một ổ chảo từ xương đùi, khung chậu. Hai bộ phận này khi kết hợp với nhau sẽ tạo nên một lớp viền bao bọc lấy phần sụn để khi mà hoạt động mọi va chạm sẽ được giảm thiểu một cách tối đa, tránh gây cọ xát và tổn hại đến bộ phận của cơ thể.

Khó phát hiện thoái hóa khớp háng

1. Giải phẫu cấu tạo khớp háng

Khớp háng gồm có chỏm xương đùi hình cầu và ổ chảo của khung chậu. Ổ chảo như hình chiếc chảo có sụn viền tương tự như sụn viền ở khớp vai, giúp cho khớp háng được vững chắc hơn. Sụn viền rộng nhất ở phía sau dưới của ổ chảo (tối đa 6,4 mm và tối thiểu 1,7mm) và dày nhất ở phía trên trước của ổ chảo (tối đa 5,5 mm và tối thiểu 1,5mm).

Đây là hệ thống khớp sâu của cơ thể. Khi sờ vào khó cảm nhận được. Cũng chính vì thế mà khi bị tổn thương rất khó nhận biết, nhất là trong các trường hợp đa chấn thương. Ngoài ra, tổn thương khớp háng cũng dễ nhầm lẫn với tổn thương tại thắt lưng và xương chậu.

Cấu tạo khớp háng

Cấu tạo của khớp háng (hình minh họa)

2. Cơ chế gây đau ở khớp háng do thoái hóa

Khớp háng là khớp gánh chịu sức nặng của cơ thể. Sức nặng này sẽ càng gia tăng khi di chuyển. Theo thời gian, sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn làm thay đổi cấu trúc ban đầu của khớp háng, gây ra cơn đau.

Cụ thể, khi khớp vận động liên tục sẽ dễ dẫn đến các vi chấn thương sụn khớp, làm vỡ ra các mảnh sụn khớp nhỏ. Các mảnh sụn khớp vỡ ra sẽ được phóng thích vào trong hệ thống bạch mạch và tuần hoàn. Lúc này, các tế bào miễn dịch sẽ nhận diện chúng là các kháng nguyên lạ và sinh ra tự kháng thể kháng sụn khớp; song song là quá trình giải phóng các protein tiền viêm như TNF-α, interleukin 1, interleukin 6, interferon gamma…

Các tự kháng thể này sẽ theo tuần hoàn tới các dịch khớp và tấn công toàn bộ các sụn khớp của cơ thể, dẫn đến phá hủy sụn khớp và xương dưới sụn, cùng đó là sự khởi phát quá trình viêm của khớp dẫn đến hẹp khe khớp và hình thành các gai xương gây đau khớp khi vận động. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này sẽ làm biến dạng và mất chức năng vận động của khớp, gây tàn phế cho người bệnh.

Phân loại thoái hóa khớp háng

1. Thoái hoá khớp háng nguyên phát

Thoái hóa khớp háng nguyên phát chiếm khoảng 50%, hay gặp ở độ tuổi 60. Người già bị thoái hóa khớp háng là do sụn và xương dưới sụn bị phá hủy không thể phục hồi.

2. Thoái hoá khớp háng thứ phát

  • Do tiền sử bị viêm khớp háng: viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp do lao…
  • Sau chấn thương: gãy cổ xương đùi, vỡ ổ cối, hoặc trật khớp háng.
  • Sau biến dạng mắc phải: biến dạng chỏm xương đùi hoặc sau hoại tử vô khuẩn chỏm xương đùi.
  • Dị dạng cũ: thiểu sản khớp háng, dị dạng khớp háng hoặc chi dưới bẩm sinh…
  • Bệnh lý khác: những người bị bệnh đường ruột, viêm đại trực tràng chảy máu, viêm cột sống dính khớp, bệnh gút, đái tháo đường, bệnh huyết sắc tố…  làm thay đổi hình thái và sinh lý khớp háng cũng có nguy cơ thoái hóa khớp háng.
  • Thừa cân, béo phì: Cân nặng sẽ khiến gia tăng áp lực nên rất dễ bị viêm khớp háng, sinh ra hiện tượng thoái hóa khớp.
  • Di truyền: Đây là trường hợp ít có thể xảy ra, do bệnh nhân di truyền khiếm khuyết về sụn khớp háng như khớp bẩm sinh, lồi ổ cối, chân cao chân thấp… sẽ tạo áp lực, chèn ép lên khớp háng làm nguy cơ tăng thoái hóa khớp.

Ngoài ra, triệu chứng thoái hóa khớp háng còn có thể xuất hiện khi khiêng vác nặng làm khớp háng bị tổn thương. Ăn uống thiếu chất, uống rượu bia, hút thuốc lá… cũng là yếu tố tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng. Phụ nữ thường có nguy cơ bị đau khớp háng cao hơn nam giới từ 1.5 – 2 lần. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của quá trình sinh nở và sự thay đổi đột ngột của nội tiết tố bên trong cơ thể.

Khớp háng bị đau

Phụ nữ ngoài 50-60 là đối tượng hay mắc căn bệnh này (hình minh họa)

Đau khớp háng bên trái hoặc bên phải thoáng qua là triệu chứng đầu tiên

1. Đau khớp háng bên trái hoặc bên phải

Ban đầu, triệu chứng đau khớp háng chỉ xuất hiện thoáng qua rồi biến mất ở một bên trái hoặc phải của khớp háng. Hoặc xuất hiện khi đi bộ trên một quãng đường dài, leo cầu thang. Người mắc bệnh khó bước những bước đầu tiên, đôi khi phải dừng lại nghỉ ngơi mới đi tiếp được. Cảm giác hơi khó khăn khi thực hiện các động tác như cắt móng chân, đi giày, tất hoặc mặc quần áo.

Dần dần, cơn đau khớp háng bên trái hoặc bên phải sẽ lan sang bên còn lại với triệu chứng tê mỏi đi kèm. Các hoạt động như đứng lên, ngồi xuống, ngồi xổm… trở nên khó khăn, đặc biệt khi xoay, khép háng hay dạng chân…

2. Đau thần kinh khớp háng

Thời gian đầu, người bệnh chỉ xuất hiện triệu chứng thoái hóa khớp háng là đau ở mặt trước đùi, vùng bẹn. Khi tình trạng thoái hóa trở nặng, cơn đau sẽ “mon men” xuống mặt trước trong và sau đùi, đôi khi lan đến tận khớp gối, ra sau mông hoặc vùng mấu chuyển xương đùi.

3. Ngủ dậy bị đau ở khớp

Ở giai đoạn bệnh nặng, xuất hiện những cơn đau khớp háng bên trái, bên phải hoặc cả hai bên dồn dập vào lúc sáng sớm và nhức mỏi lúc chiều tối. Đặc biệt là khi người bệnh đổi tư thế, di chuyển do cơ bắp quanh háng teo nhỏ, làm mất đi khả năng vận động. Không thể duỗi thẳng gối. Đau đớn cả khi nghỉ ngơi và những lúc thời tiết giao mùa.

Nhìn chung, các triệu chứng thoái hóa khớp háng rất dễ nhầm lẫn với các triệu chứng đau thắt lưng, đau vùng chậu… Bệnh tiến triển chậm nhưng nếu phát hiện muộn sẽ khó điều trị. Vì thế, nếu gặp một trong các triệu chứng trên hoặc nghi ngờ mình bị vấn đề khớp háng thì phải thăm khám ngay.

Bài viết liên quan: Thoái hóa khớp bàn tay, ngón tay

Đau khớp háng một bên

Ban đầu, triệu chứng đau khớp háng chỉ xảy ra ở một bên háng trái hoặc háng phải (hình minh họa)

Đối tượng dễ mắc thoái hóa khớp háng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp háng có thể kể đến như:

  • Người cao tuổi: Tuổi tác là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ gây thoái hóa khớp háng, người càng lớn tuổi thì càng có nhiều nguy cơ mắc bệnh.
  • Người béo phì: Trọng lượng cơ thể cao sẽ tạo sức ép lớn cho khớp gối và khớp háng, từ đó làm tăng nguy cơ khớp bị thoái hóa khớp háng.
  • Yếu tố di truyền: Người có gia đình đã từng mắc phải thoái hóa khớp háng sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người khác.
  • Người bị dị tật khớp háng: Người hay gặp chấn thương khớp háng: Những bộ môn thể thao sử dụng khớp háng thường xuyên hoặc dễ chấn thương trong quá trình vận động sẽ làm tăng nguy cơ mắc thoái hóa khớp háng.

Thoái hóa khớp háng có nguy hiểm không?

Thoái hóa khớp háng thường khó nhận biết và dễ bị nhầm lẫn với các cơn đau vùng thắt lưng hoặc các bệnh lý thường gặp khác nên người bệnh thường lơ là, tự ý điều trị sai hướng, đến khi phát hiện các khớp đã bị tổn thương nặng nề và gây ra nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống của người bệnh như:

  • Hạn chế hoặc mất khả năng vận động
  • Nứt gãy xương hông
  • Ảnh hưởng chất lượng tinh thần, gián đoạn giấc ngủ do các cơn đau nhức kéo dài
  • Teo cơ và dây chằng các khu vục xung quanh khớp háng
  • Nhiễm trùng khớp háng
  • Xương mọc gai
  • Lệch trục khớp
  • Thoát vị hoạt dịch

Chẩn đoán

Thoái hóa khớp có tốc độ tiến triển chậm, người bệnh thường khó phát hiện hoặc có nghi vấn nhưng không có điều kiện để thăm khám. Do đó, mức độ nghiêm trọng ngày càng gia tăng và để lại kết quả xấu. Khi thấy đau nhức vùng bẹn, lan xuống đùi, người bệnh nên đi chẩn đoán sớm.

Phát hiện bệnh sớm sẽ làm giảm các cơn đau và nguy cơ tàn phế do chỏm khớp đã biến dạng, các gai xương bám đầy khớp, khớp mất vận động. Để lâu, người bệnh có thể bị ảnh hưởng đến khả năng xoay người, gập người hoặc dạng háng do vùng cơ bên thoái hóa khớp háng bị teo nhỏ hẳn.

1. Chụp X quang khớp

Triệu chứng thoái hóa khớp háng thể hiện trên X quang là phì đại xương, hẹp khe khớp không đồng đều, xương dưới sụn màu đậm đặc. Hẹp khe khớp có thể do lớp sụn mỏng đi, do vôi hoá sụn ở vùng mọc gai xương (chủ yếu ở rìa khớp) hoặc cả hai. Giai đoạn muộn xuất hiện các kén ở đầu xương, xương thay đổi hình dạng đầu xương, khuyết xương ở trung tâm.

2. Chụp cộng hưởng từ MRI

Sử dụng từ trường và sóng radio nhằm hiển thị hình ảnh chi tiết của xương và các mô mềm bao xung quanh như sụn, dây chằng… Xét nghiệm hình ảnh MRI được thực hiện nếu hình ảnh từ X-Quang không cung cấp đủ dữ liệu chẩn đoán, người bệnh thoái hóa khớp giai đoạn sớm…

Dấu hiệu thoái hóa khớp

X-quang và MRI là hai phương tiện chẩn đoán thoái hóa khớp chủ yếu (hình minh họa)

Hầu hết các bệnh viện tỉnh, thành phố đều có các chuyên gia xương khớp uy tín. Tại đây, có đủ các máy móc thiết bị (X-quang, MRI, CT…) cần thiết cho việc chẩn đoán xương khớp. Bạn có thể yên tâm thăm khám tại các bệnh viện này.

Các phương pháp điều trị thoái hóa khớp háng

Mục đích của điều trị thoái hóa khớp háng là giảm đau, giãn cơ, cải thiện chức năng vận động khớp háng. Trong trường hợp bệnh tại khớp háng chuyển nặng, việc dùng thuốc không còn tác dụng, các cơn đau diễn tiến mạnh mẽ và dai dẳng hơn, người bệnh gặp nhiều khó khăn trong vận động sẽ được chỉ định phẫu thuật thay khớp háng để tái cấu trúc khớp. Trước khi thực hiện phương pháp này, người bệnh sẽ được khám khớp háng kĩ càng.

Nhìn chung, thoái hóa khớp háng cũng như nhiều căn bệnh thoái hóa khác, bệnh xuất hiện nguyên nhân đa số là do tuổi tác nên quá trình điều trị rất dai dẳng, trừ khi người bệnh có quyết tâm lớn và không ngừng kiên trì với các phương pháp điều trị đúng đắn.

Chỉ dùng thuốc điều trị theo chỉ dẫn của bác sĩ, không tự ý dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không tự làm bác sĩ cho chính mình. Tập luyện nhẹ nhàng, ăn uống đều độ. Đặc biệt, cần lưu ý chăm sóc sụn khớp và xương dưới sụn liên tục bằng các dưỡng chất thiên nhiên an toàn thì mới hy vọng sống hòa bình với bệnh được.

1. Điều trị thoái hóa khớp háng nội khoa

  • Thuốc đường uống: các thuốc giãn cơ, các thuốc chống viêm không steroid, thuốc giảm đau…
  • Kết hợp vật lý trị liệu: Một số phương pháp vật lý trị liệu như: nhiệt trị liệu, điện trị liệu, thủy trị liệu, kéo nắn trị liệu, vận động, kéo giãn, xoa bóp, laser để hỗ trợ đẩy lùi đau nhức nếu người bệnh duy trì được thường xuyên.

2. Điều trị thoái hóa khớp háng ngoại khoa

  • Đục xương sửa trục xương đùi, khung chậu, ghép xương ổ cối: được chỉ định với những trường hợp thoái hoá khớp háng giai đoạn sớm do nguyên nhân thiểu sản hoặc bán trật khớp háng.
  • Thay toàn bộ khớp háng (toàn phần): được chỉ định với những trường hợp có triệu chứng thoái hoá khớp háng nặng, đau nhiều, thường gặp ở bệnh nhân trên 60 tuổi. Ngoài ra còn có phương pháp phẫu thuật bán phần, áp dụng cho các trường hợp kém nghiêm trọng hơn hoặc bệnh nhân trẻ tuổi hơn.

Đây là phẫu thuật đòi hỏi độ chính xác cao. Do đó, người bệnh nên đến các bệnh viện tuyến Trung ương, có chuyên khoa về cơ xương khớp. Nếu ở Hà nội nên đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, Bệnh viện TW Quân đội 108… để thực hiện.

Nếu ở TP.HCM, bạn có thể đến Chuyên khoa Cơ xương khớp Bệnh viện chấn thương chỉnh hình TP.HCM, Bệnh viện 115, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM… để thăm khám và làm Phẫu thuật. Các bệnh viện trên đều là những bệnh viện lớn, có các chuyên khoa xương khớp uy tín. Người bệnh hoàn toàn có thể tin tưởng khi thám khám và điều trị.

Tập luyện khi khớp háng ổn định

1. Thay đổi thói quen sinh hoạt

  • Thay đổi những thói quen sinh hoạt hằng ngày: Tránh leo cầu thang, không đi bộ quãng đường quá dài hoặc chơi các môn thể thao làm tăng sức nặng cho khớp như: tennis, cầu lông…
  • Giảm cân: Khi cân nặng của người bệnh giảm sẽ giúp hạn chế tác động lên khớp háng, giảm đau và mức độ tiến triển của bệnh. Giúp khớp vận động linh hoạt, tránh cứng khớp.

2. Dinh dưỡng

  • Bổ sung canxi (1.000mg/ngày): Giúp xương chắc khỏe, phòng ngừa loãng xương, ổn định tình trạng thoái hóa. Canxi cao nhất có trong cua đồng (5.040mg/100g); tép khô (2.000mg/100g); ốc bươu (1.310mg/100g); mè đen – trắng (1.200mg/100g); nấm mèo và cần tây đều trên 300mg/100g. Phụ nữ mang thai và sau khi sinh nên tham vấn y khoa để được tư vấn về việc sử dụng viên uống bổ sung để tăng cường canxi và các dưỡng chất bị thiếu hụt.
  •  Vitamin K (4.700mg/100g): Loại vitamin cần thiết để canxi chuyển hóa thành xương. Đậu xanh chứa đến 1.132mg/100g canxi, lá lốt, cùi dừa già, cá ngừ, mè đều trên 500mg/100g.
  • Phốt pho (700mg/ngày): Phốt pho cũng tương tự như vitamin D (hấp thụ tốt nhất là đứng dưới  mặt trời lúc 7h sáng) giúp canxi được hấp thu tối đa. Hàm lượng phốt pho có trong 1 cốc sữa chua không béo khoảng 385mg, trong 85gr thịt bò nấu chín khoảng 173mg; trong 85gr cá hồi nấu chín khoảng 252mg;  1 quả trứng luộc khoảng 104mg và 1 lát bánh mì nguyên cám khoảng 57mg.
  • Omega 3 (250-500mg/ngày): Công dụng làm giảm viêm, sưng, đau do thoái hóa khớp háng. Omega có trong cá trích là 1,7g/100g và cá thu là 2,5g Omega 3/100g.

Xem thêm: Thoái hóa khớp nên ăn gì

Món ăn tốt cho người thoái hóa khớp

Các món làm từ cua đồng, cung cấp lượng canxi dồi dào rất tốt cho bệnh nhân bị thoái hóa khớp háng (hình minh họa)

3. Tập luyện

  • Việc tập luyện là cần thiết đối với thoái hóa khớp háng. Khi vận động các chất dinh dưỡng mới thẩm thấu vào sụn khớp, nuôi dưỡng mô sụn. Tập luyện cũng giúp khớp háng trở nên linh hoạt, dẻo dai, giảm đau và hỗ trợ đẩy lùi bệnh lý xương khớp. Tuy nhiên người bệnh chỉ tập khi khớp háng đã ổn định, không còn các cơn đau cấp.
  • Các bài tập phòng đau khớp háng nên thực hiện bài tập kéo gối, nâng cao chân, tư thế đứa trẻ, tư thế con ếch… để khớp háng trở nên linh hoạt, dẻo dai và hỗ trợ đẩy lùi bệnh lý xương khớp.
  • Các bài tập yoga hoặc bơi lội cũng giúp mở khớp háng hiệu quả, xương hoạt động linh hoạt.
  • Cân nhắc sử dụng nạng hoặc một số thiết bị hỗ trợ nhằm giảm áp lực lên khớp trong khi quá trình điều trị thoái hóa khớp háng còn chưa ổn định.

Tập luyện phòng ngừa thoái hóa khớp

Tư thế đứa trẻ trong yoga (hình minh họa)

Cần lưu ý đến khớp háng nếu nằm trong diện nguy cơ

Phòng ngừa thoái hóa khớp háng luôn là ưu tiên số một đối với những người lớn tuổi, những người có nguy cơ cao dễ mắc bệnh, đặc biệt là nữ giới. Với những người đã mắc bệnh, cần lưu ý đến sức khỏe toàn thân, để tạo nền tảng vững chắc, giúp cơ thể vượt qua được căn bệnh tất yếu của cuộc sống.

1. Người đã mắc bệnh

Người đã bị thoái hóa khớp háng có thể hạn chế các cơn đau bằng cách tập thể dục, gập người nhẹ nhàng khi các khớp êm ái, không đau nhức (hướng dẫn ở Mục 6, phần tập luyện). Đồng thời, bệnh nhân thoái hóa khớp háng nên duy trì tinh thần thoải mái, ăn ngủ đều độ, đi ngủ sớm và thức dậy sớm.

2. Người chưa mắc bệnh

Nếu mắc bệnh viêm, chấn thương hoặc tật bẩm sinh ở khớp háng, người bệnh nên tích cực điều trị càng sớm càng tốt để hạn chế nguy cơ thoái hóa khớp khi lớn tuổi. Cần điều trị triệt để các bệnh có nguy cơ ảnh hưởng đến thoái hóa khớp háng như đái tháo đường, bệnh gút… Ăn nhiều thực phẩm giàu canxi như tôm, tép (ăn luôn vỏ), cua đồng… để phòng ngừa thoái hóa khớp háng.

Bệnh thoái hóa khớp háng có thể dẫn tới nhiều biến chứng nghiêm trọng nếu không được chẩn đoán và điều trị tích cực. Vì vậy, nếu có những dấu hiệu nghi ngờ thoái hóa khớp háng, người bệnh nên sớm đi khám để được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị hiệu quả.

02:57 22/02/2024
Share Facebook Share Twitter Share Pinterest

Bài viết khác


Những thông tin, bài viết trên website Jex.com.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu thông tin. Không thay thế cho việc chẩn đoán, khám và điều trị y khoa. Do đó JEX không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ