Khắc phục chứng đau lưng mỗi sáng ngủ dậy

Mỗi sáng sau khi ngủ dậy bạn cảm thấy lưng của mình bị đau và cứng, khó khăn khi ngồi dậy, khi bước chân xuống giường hoặc cúi người rửa mặt. Hãy thay đổi một số thói quen này trước khi ngủ và sau khi thức dậy bạn sẽ có một giấc ngủ thật ngon và không còn cảm giác đau lưng, cứng khớp như thế nữa.

Không nằm nệm quá cứng hoặc quá mềm và nên thay mới sau 10 năm sử dụng

Khi ngủ trên nệm quá mềm, xương sống sẽ bị võm xuống, đồng thời đĩa đệm dễ di chuyển theo và có nguy cơ bị rách, thoái hóa gây đau lưng. Ngược lại, nằm trên nệm, giường hoặc phản quá cứng trong suốt 6-8 giờ sẽ gây nhiều áp lực lên tủy sống nên sau khi ngủ dậy bị đau lưng cũng là điều dễ hiểu. Ngoài ra, với những chiếc nệm đã được dùng rất lâu trên 10 năm, độ đàn hồi sẽ không còn đồng nhất ở mọi điểm khiến cho cột sống không được giữ thẳng mà bị chùng xuống nên rất dễ bị đau lưng.
đau lưng do nằm nệm
Nên thay nệm mới sau 10 năm sử dụng.
Tốt nhất, bạn nên thay nệm mới sau khoảng 10 năm sử dụng, và nên chọn các loại nệm mà khi nằm có cảm giác êm ái, dễ chịu, không gây đau những vùng tiếp xúc chính như ót, vai, lưng và mông. Để kiểm tra độ căng của nệm bạn hãy nằm thẳng lưng, nếu khoảng cách giữa đoạn eo lưng và nệm có lỗ hổng lớn thì nệm quá cứng, còn nếu nệm võng xuống quá 10cm thì nệm quá mềm.

Hãy nằm ngửa thay vì nằm cong lưng hoặc nằm sấp

Khi bạn nằm sấp cột sống sẽ không được thẳng, áp lực đè lên lưng cũng nhiều hơn và cổ cũng không thoải mái, còn khi bạn ngủ ở tư thế nằm nghiêng, lưng cong và hai chân co lên khiến khung xương không thẳng, đồng thời xương thắt lưng và xương chậu cũng bị vặn. Nếu bạn có thói quen ngủ ở tư thế này trong khoảng 8h sẽ khiến cho cột sống bị ảnh hưởng và sáng ngủ dậy bị đau lưng. Thay vào đó, bạn hãy ngủ ở tư thế nằm ngửa, tức đầu, cổ, lưng và chân cùng nằm trên một đường thẳng. Ở tư thế này nếu bạn đặt thêm một chiếc gối bên dưới hai đầu gối sẽ giúp duy trì đường cong tự nhiên của cột sống trong khi ngủ.
tư thế nằm giảm đau lưng
Ngủ ở tư thế nằm ngửa và lót một chiếc gối bên  dưới đầu gối sẽ giảm tình trạng đau lưng.

Thực hiện tư thế đúng khi ngồi dậy bước chân ra khỏi giường

Sau khi thức, một số người có thói quen bật lưng ngồi dậy rồi bước chân xuống giường. Nhưng điều này là không tốt vì việc thay đổi tư thế đột không chỉ dẫn đến tụt huyết áp gây chóng mặt, hoa mắt mà còn làm co rút cơ gây đau nhức. Để hạn chế tình trạng ngủ dậy bị đau lưng, bạn khoan vội bước chân xuống giường mà hãy dành 1-2 phút thư giãn cơ, gân bằng cách vươn vai, tay chân duỗi thẳng kéo căng người. Sau đó, nằm nghiêng người sang một bên, tay chống xuống giường đồng thời hai chân bước xuống đất, dùng tay đẩy người ngồi dây và từ từ đứng thẳng người lên.
giảm đau lưng khi ngủ dậy
Nằm nghiêng, tay chống xuống giường, bước hai chân xuống, dùng tay đẩy người ngồi dậy và từ từ đứng thẳng người lên.

Tắm nước ấm sau khi ngủ dậy

Nước ấm có tác dụng tăng tuần hoàn máu, giúp giảm tình trạng co cứng cơ đồng thời làm dịu cơn đau. Vì thế, sau khi vệ sinh cá nhân xong, bạn hãy ngâm mình trong bồn nước ấm hoặc tắm dưới vòi hoa sen sẽ cảm thấy rất tỉnh táo, dễ chịu, xương khớp cũng được thư giãn, tình trạng đau lưng sau khi ngủ dậy được cải thiện đáng kể. Nếu không có nhiều thời gian để tắm vào buổi sáng, bạn có thể dùng khăn nhúng vào chậu nước ấm, sau đó vắt thật khô và áp nhẹ vào lưng.
tắm nước ấm
Tắm nước ấm mỗi sáng giúp bạn tỉnh táo, bớt đau mỏi lưng.
Hãy làm theo những điều này và duy trì chúng thường xuyên, dần dần bạn sẽ không còn cảm giác đau lưng mỗi sáng khi ngủ dậy. Tuy nhiên, nếu tình trạng đau lưng vẫn liên tục xảy ra và âm ỉ kéo dài, đặc biệt là khi làm việc, đi lại, bạn nên đi khám sức khỏe xương khớp vì đó có thể là triệu chứng cảnh báo các bệnh lý nguy hiểm không chỉ đơn giản là đau lưng thông thường.
Quỳnh Như
14:16 25/08/2023
Share Facebook Share Twitter Share Pinterest

Bài viết khác


Những thông tin, bài viết trên website Jex.com.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu thông tin. Không thay thế cho việc chẩn đoán, khám và điều trị y khoa. Do đó JEX không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ