Viêm khớp liên cầu là gì? Có nguy hiểm không?

Viêm khớp liên cầu là dạng viêm khớp ít phổ biến và có thể điều trị dứt điểm nếu phát hiện sớm. Tuy nhiên, những người có hệ miễn dịch kém hoặc tiền sử chấn thương xương khớp hoặc bệnh lý khớp là đối tượng dễ mắc phải bệnh lý này.

Vi khuẩn gây viêm khớp liên cầu

Vi khuẩn liên cầu Streptococcus là “thủ phạm” gây ra bệnh viêm khớp liên cầu khuẩn

Thuộc nhóm bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp liên cầu do vi khuẩn liên cầu có tên Streptococcus gây ra. Vi khuẩn Streptococcus thường trú ở niêm mạc họng và da người khi gặp điều kiện thuận lợi (vết thương hở ở vùng da quanh khớp) sẽ tấn công vào ổ khớp.

Tại ổ khớp bị vi khuẩn này xâm nhập sẽ kích hoạt phản ứng viêm với các biểu hiện đặc trưng là sưng đỏ, đau nhức và giảm cử động khớp. Người bị viêm khớp liên cầu sẽ xuất hiện đồng thời những triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi…

Bệnh có thể thuyên giảm nhanh chóng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Ngược lại, chủ quan “bỏ mặc” khớp quá lâu trong sự bủa vây của Streptococcus sẽ dẫn nhiều biến chứng xương khớp nghiêm trọng.

Giống như các dạng viêm khớp nhiễm khuẩn khác, người bị vi khuẩn liên cầu “xâm chiếm” khớp có thể phải đối mặt với những biến chứng nặng:

  • Sụn khớp và xương dưới sụn bị bào mòn, phá hủy cấu trúc khớp dẫn đến thoái hóa khớp, làm giảm khả năng vận động.

  • Khi vi khuẩn liên cầu làm tổn thương đồng thời nhiều khớp sẽ khởi động tình trạng viêm đa khớp.

Không chỉ gây hại xương khớp, đe dọa hệ vận động, vi khuẩn Streptococcus ở khớp viêm có thể theo dòng máu đến tim, gan, thận, phổi… làm suy giảm chức năng của các cơ quan quan trọng này. Khi viêm khớp liên cầu ảnh hưởng đến toàn thân, việc điều trị mất nhiều thời gian và công sức hơn.

Vi khuẩn Streptococcus theo vết thương hở đi sâu vào hủy hoại ổ khớp là nguyên nhân gây bệnh viêm khớp liên cầu khuẩn. Loại vi khuẩn này không phải “khách lạ”, chúng sở hữu “hộ khẩu” trên da và niêm mạc họng của con người.

Bình thường, vi khuẩn liên cầu sẽ trong trạng thái bất động (không có khả năng di chuyển), thế nên không thể gây hại cơ thể. Trường hợp bị viêm khớp liên cầu là bởi sẵn có các yếu tố dưới đây:

  • Chấn thương hoặc vết thương hở quanh khớp.

  • Xâm lấn khớp không đúng kỹ thuật hoặc dụng cụ chưa được vô khuẩn.

  • Tiền sử mắc bệnh xương khớp hoặc các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn liên cầu.

  • Hệ miễn dịch suy giảm khiến vi khuẩn dễ dàng tấn công vào các mô và hệ thống trong cơ thể.

  • Sử dụng thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài.

Vi khuẩn xâm nhập gây viêm khớp

Vết thương hở không được chăm sóc và vệ sinh đúng cách là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn liên cầu xâm nhập vào khớp

Gặp các điều kiện thuận lợi này, vi khuẩn Streptococcus liền lập tức đến “gõ cửa” ổ khớp. Tại đây, chúng thỏa sức làm tổn thương mô sụn và kích thích phản ứng viêm, phá hủy cấu trúc khớp.

Khuẩn liên cầu thường trú trên cơ thể, chỉ cần gặp điều kiện lý tưởng – chúng sẽ ngay lập tức “ra quân chiếm đóng” khớp. Do đó, bạn cần chủ động chăm sóc và bảo vệ cơ thể để chặn đứng con đường dẫn vi khuẩn Streptococcus đến khớp bằng cách:

Hệ miễn dịch khỏe mạnh giúp cơ thể chống lại virus, vi khuẩn tốt hơn. Để tăng sức đề kháng, bạn cần tập thể dục điều độ, ăn uống đầy đủ và đa dạng dinh dưỡng và nghỉ ngơi hợp lý; tránh căng thẳng và làm việc quá sức.

Khi bị chấn thương hay các vấn đề xương khớp, bạn nên lựa chọn bệnh viện uy tín để điều trị. Tại đây, với quy trình phẫu thuật đạt tiêu chuẩn y tế, dụng cụ chuyên dụng vô khuẩn tuyệt đối sẽ tránh cho bạn nguy cơ nhiễm khuẩn.

Ngoài ra, bạn nhớ chăm sóc và vệ sinh vết thương hở (nếu có), nhất là các vết thương gần khớp kỹ càng theo hướng dẫn của bác sĩ để vi khuẩn liên cầu không có cơ hội đột nhập vào khớp. Và nếu mắc bệnh nhiễm trùng (đường tiết niệu, đường hô hấp, mô xương hay da), bạn phải tuân thủ phác đồ y khoa để chữa trị dứt điểm.

Các dấu hiệu và triệu chứng viêm khớp liên cầu vừa biểu hiện ở khớp bị tổn thương vừa phát sinh trên toàn thân, cụ thể:

Triệu chứng tại khớp vị nhiễm khuẩn

  • Vùng da quanh khớp bị nhiễm khuẩn liên cầu sưng tấy, đỏ và nóng.

  • Khớp đau nhức theo từng đợt, rõ nhất là khi cử động.

  • Cơ căng cứng khiến việc chuyển động khớp trở nên khó khăn.

  • Ổ khớp có thể mưng mủ hoặc xuất hiện tình trạng tràn dịch.

  • Một số trường hợp bị nổi cục hạch ở quanh khớp.

Triệu chứng viêm khớp liên cầu

Vùng da quanh khớp sưng tấy, đỏ và nóng là dấu hiệu đặc trưng của bệnh viêm khớp liên cầu 

Triệu chứng toàn thân

  • Sốt cao (lên đến 40 độ) vào chiều tối.

  • Cơ thể mệt mỏi, khó chịu và suy nhược (sụt cân) vì chán ăn.

  • Môi khô, hơi thở không đều và có mùi.

  • Toàn thân nhức mỏi, đôi khi có cảm giác ớn lạnh.

Qua đây có thể nhận thấy, nhiều triệu chứng của viêm khớp liên cầu tương đồng với bệnh viêm khớp dạng thấp, bệnh gút và một số dạng viêm khớp nhiễm khuẩn khác. Vậy nên, khi phát hiện khớp có biểu hiện bất thường, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác bệnh lý.

Để đưa ra được kết luận khớp bị viêm có phải do vi khuẩn liên cầu hay không? Bác sĩ sẽ lần lượt thực hiện các phương pháp chẩn đoán sau:

Chẩn đoán lâm sàng

Bác sĩ sẽ dựa vào những dấu hiệu quan sát thấy ở khớp và triệu chứng mà người bệnh chia sẻ để đánh giá mức độ viêm khớp, cũng như phạm vi tác động của vi khuẩn liên cầu trong cơ thể.

Xét nghiệm máu và dịch khớp

Kết quả xét nghiệm máu cho phép bác sĩ chắc chắn người bệnh bị viêm khớp nhiễm khuẩn; còn kết quả phân tích dịch khớp giúp bác sĩ xác định được loại vi khuẩn gây viêm khớp có phải liên cầu khuẩn Streptococcus hay không.

Chẩn đoán hình ảnh

Hình ảnh bên trong khớp được thu lại rõ ràng và sắc nét nhờ kỹ thuật chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ MRI hay CT Scan (chụp cắt lớp), cho phép bác sĩ khoanh vùng tổn thương và biết được mức độ hư hại khớp đến đâu.

Cấy máu hoặc cấy dịch khớp

Phương pháp chẩn đoán này nhằm thử “độ nhạy” của vi khuẩn. Theo đó, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ điều trị cũng như loại thuốc kháng sinh thích hợp để tiêu diệt hoàn toàn vi khuẩn trong khớp.

Quá trình chẩn đoán viêm khớp liên cầu phức tạp hơn chẩn đoán các bệnh xương khớp phổ biến. Nhưng khi đã chỉ được đích danh chủng vi khuẩn và xác định cụ thể mức độ tổn thương ở khớp, việc điều trị lại đơn giản hơn rất nhiều.

Không như thoái hóa khớp – âm thầm bào mòn mô sụn, viêm khớp liên cầu tiến triển rất nhanh. Chính vì thế, bác sĩ sẽ ngay lập tức dùng kháng sinh để khống chế sự bùng phát của vi khuẩn liên cầu.

Cùng với kháng sinh, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc giảm đau, chống viêm để giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời kiểm soát tình trạng viêm trong khớp. Trong khi sử dụng kháng sinh và thuốc giảm đau, bác sĩ có thể tiến hành thủ thuật dẫn lưu khớp hoặc nội soi khớp.

Thuốc kháng sinh trị viêm khớp liên cầu

Sử dụng kháng sinh là chỉ định đầu tiên trong phác đồ điều trị bệnh viêm khớp liên cầu 

Mục đích dẫn lưu và nội soi khớp là làm sạch mủ bên trong khớp và loại bỏ bớt vi khuẩn trong ổ khớp. Điều này giúp giảm đau nhức và sưng tấy khớp, từ đó người bệnh có thể cử động dễ dàng hơn.

Riêng trường hợp nhiễm khuẩn nặng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để triệt tiêu phần mô sụn và xương dưới sụn bị hư hại. Nếu không khẩn trương phẫu thuật, nguy cơ hoại tử xương, hỏng cấu trúc khớp là rất cao.

Hy vọng, qua toàn bộ những thông tin chia sẻ về viêm khớp liên cầu ở trên có thể giúp bạn hiểu thêm về bệnh, từ đó chủ động thăm khám, điều trị, phòng ngừa bệnh tái phát hiệu quả.

09:53 26/08/2023
Share Facebook Share Twitter Share Pinterest

Bài viết khác


Những thông tin, bài viết trên website Jex.com.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu thông tin. Không thay thế cho việc chẩn đoán, khám và điều trị y khoa. Do đó JEX không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ