Ung thư xương là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Ung thư xương là căn bệnh ác tính hiếm gặp, chỉ chiếm khoảng 1% trong các bệnh ung thư. Người bệnh bị ung thư xương có thể phải cắt cụt chi, thậm chí tử vong do di căn (ung thư xương chủ yếu di căn đến phổi).


Ung thư xương

Khối u ác tính phát triển trong xương dần phá hủy mô xương khỏe mạnh dẫn đến nguy cơ phải cắt cụt chi nếu không được điều trị kịp thời

Ung thư xương là gì?

Bệnh ung thư xương là tổn thương nghiêm trọng, xảy ra khi các mô xương khỏe mạnh bị phá hủy bởi tế bào bất thường hình thành trong xương, không rõ nguyên nhân. Căn bệnh này có thể bắt đầu ở bất kỳ vị trí xương nào trong cơ thể, nhưng phổ biến nhất là xương chậu và các đoạn xương dài ở tay (xương cẳng tay) và chân (xương ống chân).

Thuật ngữ "ung thư xương" không bao gồm các bệnh ung thư khác di căn đến xương, chẳng hạn ung thư vú di căn đến xương. Theo đó, ung thư xương di căn đến bộ phận khác vẫn được gọi là ung thư xương. Việc phân biệt rõ ràng ung thư xương và ung thư di căn đến xương giúp bác sĩ có kế hoạch điều trị chính xác.

Ung thư xương rất hiếm, hầu hết các khối u khác trong xương là lành tính. Tuy nhiên, khi trong xương xuất hiện khối u thì sẽ gây những hậu quả rất nghiêm trọng: xương bị yếu đi và dễ gãy hơn bình thường, gây tàn phế, thậm chí tử vong. 

Nguyên nhân gây ung thư xương 

Đến nay, nguyên nhân gây ung thư xương vẫn còn là ẩn số, nhưng giới chuyên môn đã đưa ra được những yếu tố có thể khiến bạn dễ mắc phải căn bệnh này đó là:

Di truyền

Một số hội chứng di truyền hiếm gặp, điển hình là hội chứng Li-Fraumeni (đột biến gen TP53) hay u nguyên bào võng mạc (khối u ác tính xuất phát từ tế bào võng mạc) làm tăng nguy cơ mắc phải các bệnh ung thư, trong đó có ung thư xương.

Xạ trị chữa ung thư

Người phải tiếp xúc với cường độ xạ trị cao trong quá trình điều trị ung thư dễ xuất hiện các khối u ác tính trong xương. Ngoài xạ trị, cấy tế bào gốc hay một số loại thuốc đặc trị ung thư cũng khiến bệnh ung thư xương dễ xảy ra hơn.

Bệnh Paget của xương

Paget xương là một tổ chức xương bất thường, hình thành từ sự mất cân bằng giữa quá trình mất xương cũ và hình thành xương mới (các tế bào xương mới không được sản sinh kịp để thay thế cho tế bào xương cũ mất đi). Tỷ lệ ung thư xương ở bệnh nhân Paget xương thường cao hơn người bình thường.

Trên đây chỉ là những yếu tố nguy cơ, thế nên không phải ai xạ trị ung thư hay bị bệnh Paget xương đều sẽ bị ung thư xương. Nhưng nếu phát hiện mình thuộc nhóm nguy cơ, bạn nên đến bệnh viện kiểm tra và tầm soát ung thư xương sớm nhé!

Tìm hiểu thêm: Paget xương là bệnh gì? có nguy hiểm không?

Dấu hiệu và triệu chứng cảnh báo ung thư xương

Dù khối u xương là lành tính hay ác tính cũng rất khó để phát hiện ra sự tồn tại của chúng. Nguy hiểm hơn, các triệu chứng và dấu hiệu ung thư xương chúng ta có thể nhận thấy tương đối giống với biểu hiện của một số bệnh lý xương khớp thường gặp, khiến người bệnh chủ quan:

  • Đau nhức xương, nhất là lúc vận động.

  • Sưng phần mềm quanh khu vực có khối u.

  • Xương bị yếu và dễ bị gãy.

ung thư xương chân

Xương ống chân đau nhói kéo dài - bạn hãy cẩn trọng với căn bệnh ung thư xương

Bên cạnh đó, khi bị ung thư xương, bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi, giảm cân, đổ mồ hôi đêm… Vì vậy, đừng chần chừ, đừng do dự - chúng tôi khuyên bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa xương khớp càng sớm càng tốt, nhất là khi cơn đau xương ngày một tồi tệ và không thuyên giảm ngay cả khi đã dùng thuốc giảm đau.

Những giai đoạn của bệnh ung thư xương

Bác sĩ sẽ dựa vào kích thước khối u, số lượng khối u và mức độ di căn để xác định giai đoạn của bệnh ung thư xương. Thông thường, tiến trình phát triển của căn bệnh này được chia thành 4 giai đoạn (đánh số từ I - IV):

Giai đoạn I

Các khối u ở giai đoạn I thường mọc cùng một chỗ, trên cùng một xương và chưa lan ra xương khác.

Giai đoạn II

Ở giai đoạn này, các khối u cũng chưa lan ra các xương khác, nhưng kích thước lớn hơn giai đoạn I.

Giai đoạn III

Khi chuyển sang giai đoạn III, khối u vẫn chưa lan ra ngoài xương, nhưng mọc lên ở nhiều vị trí trên cùng một xương với kích thích tương đối lớn.

Giai đoạn IV

Bước sang giai đoạn IV (cấp độ nặng nhất), khối u đã lan ra bên ngoài xương và di căn đến đến phổi và các cơ quan xa hơn.

Việc xác định chính xác từng giai đoạn giúp bác sĩ tiên lượng sức khỏe và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp giúp kéo dài tối đa sự sống cho bệnh nhân. Người bệnh cũng cần được biết bệnh tình của mình đang ở giai đoạn nào để hiểu chế độ chăm sóc và kế hoạch điều trị mà bác sĩ đưa ra.

Chẩn đoán ung thư xương như thế nào?

Nếu chỉ thông qua các triệu chứng và tiền sử bệnh của bạn, bác sĩ sẽ rất khó để chẩn đoán ung thư xương. Để tránh nhầm lẫn, bác sĩ sẽ thực hiện hàng loạt xét nghiệm ung thư xương như:

Xét nghiệm máu

Đây là xét nghiệm đầu tiên sẽ được triển khai trong quá trình chẩn đoán ung thư xương, giúp bác sĩ tìm ra 2 loại enzyme báo hiệu ung thư đó là Phosphatase kiềm (ALP) và Lactate Dehydrogenase (LDH).

Chẩn đoán ung thư xương

Xét nghiệm máu là phương pháp được áp dụng trước tiên trong chẩn đoán ung thư xương 

Xét nghiệm hình ảnh

Những kỹ thuật xét nghiệm hình ảnh gồm chụp X-quang, chụp cắt lớp CT và chụp cộng hưởng từ MRI cho thấy vị trí và độ lớn của các khối u.

Chụp cắt lớp phát xạ positron (Positron Emission Tomography - PET)

Kỹ thuật viên sẽ tiêm một lượng đường phóng xạ vào tĩnh mạch của người bệnh. Các tế bào ung thư có xu hướng “nạp” nhiều đường hơn tế bào khỏe mạnh và máy quét sẽ phát hiện ra chúng.

Sinh thiết 

Một xét nghiệm quan trọng được áp dụng cho hầu hết các bệnh ung thư gọi là sinh thiết. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu nhỏ của khối u và xem xét dưới kính hiển vi để kết luận khối u của bạn là lành tính hay ác tính (ung thư).

Các phương pháp điều trị ung thư xương được áp dụng hiện nay

Phác đồ điều trị ung thư xương sẽ được xây dựng dựa vào mức độ phát triển của khối u. Dưới đây là các phương pháp chữa ung thư xương được áp dụng phổ biến hiện nay:

Phẫu thuật loại bỏ phần xương có khối u ác tính

Bác sĩ sẽ loại bỏ phần xương bị ung thư và giữ nguyên các mô mềm là cơ, gân, dây chằng. Sau đó, bác sĩ sẽ thế vào đoạn xương bị khuyết một đoạn kim loại được thiết kế riêng để đảm bảo cấu trúc xương.

Phẫu thuật cắt cụt chi 

Nếu khối u ung thư quá lớn, chèn ép lên dây thần kinh và mạch máu, bác sĩ buộc phải cắt bỏ toàn bộ chi có khối u. Bệnh nhân sẽ được lắp chi giả khi vết thương bình phục để không làm gián đoạn cuộc sống.

Xạ trị

Chiếu tia X với cường độ mạnh sẽ giúp tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ các khối u. Xạ trị thường được sử dụng phối hợp với phương pháp phẫu thuật.

Điều trị ung thư xương

Xạ trị giúp tiêu diệt tế bào ung thư thường được áp dụng cho giai đoạn nặng (III, IV)

Hóa trị 

Thuốc đặc trị sẽ được truyền vào tĩnh mạch nhằm “giết chết” các tế bào ung thư. Bác sĩ chỉ định dùng thuốc hóa trị chủ yếu trong trường hợp ung thư di căn.

Liệu pháp điều trị đích

Điều trị đích là dùng thuốc với mục tiêu thay đổi gen, protein hỗ trợ ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư.

Ở mỗi giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ thay đổi phương pháp hoặc kết hợp nhiều phương pháp điều trị với nhau để mang lại kết quả tốt nhất cho bệnh nhân. Riêng vấn đề ung thư xương có chữa được không tùy thuộc vào thời điểm phát hiện bệnh sớm hay muộn. Nếu kịp thời chữa trị ở giai đoạn đầu, phần trăm thành công là rất cao.

Phòng ngừa bệnh ung thư xương

Nguyên nhân gây ung thư xương chưa được xác định, thế nên việc phòng bệnh chủ yếu hướng đến kiểm soát và hạn chế tác động của các yếu tố nguy cơ, cũng như xây dựng lối sống khoa học:

  • Ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập thể dục đều đặn và nghỉ ngơi, giải tỏa mệt mỏi hợp lý.

  • Tránh khói thuốc lá và cẩn thận khi tiếp xúc với tia X xạ trị.

  • Chủ động thăm khám, tầm soát ung thư xương nếu trong gia đình có thành viên mắc phải căn bệnh này.

  • Điều trị bệnh Paget xương theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng ngừa ung thư xương

Tích cực tập thể dục và thực hiện lối sống khoa học (ăn đủ chất dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý) tăng cường sức mạnh cho xương

Box mua hàng Jex

Nút mua hàng Jex

Việc ngăn chặn hoàn toàn ung thư xương là điều rất khó, nói đúng hơn là không thể. Nhưng nếu chúng ta chú ý chăm sóc xương khớp và tầm soát nguy cơ ung thư từ sớm, khả năng bảo toàn xương và sống khỏe là vô cùng khả quan.




Bài viết khác

Viêm xương: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và phòng ngừa

Gai mâm chày khớp gối: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Tràn dịch khớp gối nên ăn gì, kiêng ăn gì thì tốt?

Trật khớp cổ tay: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách chữa trị tại nhà

Viêm màng hoạt dịch: Nguyên nhân, dấu hiệu, cách điều trị và phòng ngừa

7 cách phòng ngừa hội chứng ống cổ tay hiệu quả, chuẩn khoa học



CÁC NHÃN HÀNG ECOGREEN