Viêm khớp dạng thấp nên ăn và kiêng ăn gì?

Tìm hiểu kỹ lưỡng viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và kiêng ăn gì sẽ giúp giảm nhẹ triệu chứng, hỗ trợ ngăn chặn biến chứng của bệnh hiệu quả. Bạn có thể tham khảo những thông tin dinh dưỡng dưới đây để thiết kế thực đơn ăn uống mỗi ngày phù hợp nếu không may bị viêm khớp dạng thấp nhé!


Bị viêm khớp nên ăn gì kiêng gì

Lựa chọn thực phẩm hợp lý giúp kiểm soát và giảm nhẹ các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp

Tầm quan trọng của dinh dưỡng với người bệnh viêm khớp dạng thấp

Theo Tổ chức Viêm khớp, nhiều nghiên cứu cho thấy thực phẩm chống viêm có thể làm giảm đau và kiểm soát sự tiến triển của bệnh viêm khớp nói chung. Cụ thể, đa số những thực phẩm mà chúng ta tiêu thụ mỗi ngày có thể đem lại những tác động sau:

  • Giảm hoặc làm chậm tình trạng viêm, xoa dịu các triệu chứng đau nhức, tê và căng cứng khớp.

  • Tăng cường sức khỏe cho mô quanh khớp, giúp khớp chắc khỏe hơn và cử động linh hoạt hơn.

  • Kích thích tái tạo tế bào sụn và xương dưới sụn, hỗ trợ điều trị cũng như phòng ngừa biến chứng của viêm khớp dạng thấp và nhiều bệnh xương khớp khác. 

Ngoài ra, nếu thực hiện chế độ dinh dưỡng không đúng cách dẫn đến thừa cân, béo phì cũng gây ảnh hưởng đến mức độ viêm của khớp. Khi trưởng thành, tế bào mỡ sẽ giải phóng ra cytokine - một loại protein hoặc glycoprotein, làm tăng tình trạng viêm.

Vì vậy, áp dụng chế độ ăn uống hợp lý, duy trì cân nặng chuẩn sẽ vừa giúp giảm viêm vừa giảm áp lực lên khớp. Nếu bị béo phì, bạn cần thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt để loại bỏ phần mỡ dư thừa càng sớm càng tốt.

Thừa cân béo phì tăng nguy cơ mắc bệnh khớp

Thừa cân béo phì do ăn uống thiếu khoa học vừa tăng áp lực cho khớp vừa khiến tình trạng viêm nặng hơn

Tuy nhiên, không phải ăn gì và uống gì cũng tốt cho quá trình điều trị viêm khớp dạng thấp, thậm chí một số thực phẩm có thể khiến tình trạng viêm trầm trọng hơn. Bạn hãy theo dõi nội dung tiếp theo để biết viêm khớp dạng thấp nên ăn gì và nên kiêng gì là tốt nhất.

Viêm khớp dạng thấp nên ăn gì?

Chế độ ăn uống khoa học không chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp (RA), nhưng nếu lựa chọn được những thực phẩm phù hợp sẽ giảm nhẹ các triệu chứng của bệnh, đồng thời hỗ trợ phác đồ điều trị viêm khớp dạng thấp đạt hiệu quả cao hơn. Dưới đây là những gợi ý cho dành cho bạn:

  • Rau xanh và trái cây 

Ủy ban Y khoa Hoa Kỳ (Physicians Committee for Responsible Medicine(*)) chỉ ra rằng, những thực phẩm từ thực vật có thể làm giảm các triệu chứng của viêm khớp dạng thấp. Trong đó, các loại trái cây và rau quả như tỏi, hành (chứa chất chống viêm quercetin); khoai lang, bí, cà rốt, ớt chuông (chứa chất chống oxy hóa carotenoid kiềm chế quá trình viêm); rau bina, bông cải xanh, bắp cải (giàu canxi giúp xương chắc khỏe hơn); kiwi, cam, quýt, dâu tây (chứa nhiều vitamin C hỗ trợ bảo vệ sụn và xương) đặc biệt có lợi cho người bị bệnh viêm khớp.

  • Thực phẩm chứa nhiều omega 3

Những thực phẩm có hàm lượng axit béo omega-3 như cá hồi, cá trích, cá mòi, cá ngừ… không thể thiếu trong thực đơn dinh dưỡng của người bị viêm khớp dạng thấp. Loại axit béo không bão hòa này giúp ức chế phản ứng viêm trong cơ thể, từ đó giảm nhẹ cơn đau nhức và hiện tượng sưng tấy quanh khớp bị viêm.

Nếu bạn ăn chay thì có thể thay omega 3 từ cá bằng omega 3 từ các loại hạt như hạt óc chó, hạt đậu nành, hạt chia... Bạn nên cố gắng ăn các thực phẩm này 2 lần mỗi tuần để cung cấp đủ omega 3 cho cơ thể.

  • Các loại ngũ cốc nguyên hạt

Thường xuyên ăn ngũ cốc nguyên hạt như gạo lứt, đậu xanh, hạt quinoa, mè, yến mạch… có thể làm giảm mức CRP (CRP là Protein phản ứng C được sản sinh khi cơ thể bị viêm). Một điểm cộng nữa của ngũ cốc nguyên hạt là chúng chứa nhiều chất xơ giúp bạn có cảm giác no lâu, kiểm soát sự thèm ăn giúp duy trì cân nặng hợp lý, từ đó giảm áp lực lên các khớp đang chịu tổn thương bởi tình trạng viêm.

  • Củ nghệ

Nghệ là gia vị quen thuộc làm nhiều món ăn trở nên đậm vị và hấp dẫn hơn. Hợp chất Curcumin trong thực phẩm này là một chất chống viêm hiệu quả, thế nên ăn nghệ góp phần làm dịu đi các triệu chứng của bệnh viêm khớp.

  • Trà xanh

Thức uống thanh mát này là nguồn cung cấp Polyphenol - chất chống oxy hóa dồi dào, giúp giảm viêm và tăng cường miễn dịch cho cơ thể. Nhờ đó, xương khớp cũng được bảo vệ tốt hơn trước sự tấn công của các chất gây viêm.

Trà xanh tốt cho người viêm khớp dạng thấp

Trà xanh là thức uống dân dã có tác dụng bảo vệ sụn, xương trước các hóa chất gây viêm khớp

  • Dầu ô liu

Hợp chất có tên Oleocanthal trong dầu ô liu được biết đến với công dụng kìm hãm sản xuất các enzyme gây viêm là COX 1 và COX 2. Thêm vào đó, dùng dầu ô liu thay cho dầu ăn thông thường còn tốt cho hệ tim mạch và tăng hiệu quả giảm cân cho những ai bị béo phì.

Viêm khớp dạng thấp nên kiêng ăn gì?

Những người đang điều trị viêm khớp dạng thấp nên hạn chế một số loại thực phẩm sau đây:

  • Thực phẩm nhiều dầu mỡ

Thức ăn nhiều dầu mỡ như đồ chiên xào, thức ăn nhanh và thức ăn chế biến sẵn làm tăng mức độ viêm của cơ thể. Không những thế, các món ăn này còn khiến nồng độ cholesterol xấu (LDL) tăng lên, cholesterol tốt (HDL) giảm đi, dẫn đến xơ vữa động mạch.

  • Thực phẩm nhiều đường

Những đồ ăn có lượng đường cao như bánh ngọt, kẹo, sữa chua ít béo, tương cà chua… có khả năng kích hoạt cơ thể sản xuất các hóa chất gây viêm (cytokine), làm cho các triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp tồi tệ hơn. Và đương nhiên, việc thường xuyên ăn thực phẩm nhiều đường sẽ khiến bạn tăng cân, gây thêm áp lực cho khớp.

  • Thực phẩm nhiều muối

Thức ăn mặn như dưa muối, cà muối, khoai tây chiên, súp và nước sốt… giúp kích thích vị giác nhưng ăn nhiều sẽ gây hại cho huyết áp. Nguy hiểm hơn, thực phẩm quá mặn làm tăng lắng đọng tinh thể urat trong các khớp và giảm khả năng hấp thu canxi của xương, khiến cho mức độ viêm nặng hơn, khớp xương yếu hơn.

  • Các loại tinh bột tinh chế

Chất Gluten (một loại protein được hợp thành từ gliadin và glutenin) có trong các loại tinh bột như lúa mì, lúa mạch, gạo trắng… có thể làm tăng nặng viêm khớp dạng thấp, bởi chất này cũng là yếu tố gây ra phản ứng viêm trong cơ thể.

Dinh dưỡng cho người viêm khớp

Khi bị viêm khớp, bạn nên hạn chế ăn tinh bột trắng, thay vào đó có thể ăn ngũ cốc nguyên cám, bánh mì nguyên cám

  • Chất kích thích, đồ uống có cồn

Thuốc lá và đồ uống có cồn (rượu, bia) luôn nằm trong “bảng đen dinh dưỡng”, không chỉ người bị bệnh mới cần kiêng mà ai cũng nên “dè chừng”. Riêng đối với người bị bệnh viêm khớp dạng thấp, những chất này khi đưa vào cơ thể sẽ phản ứng với một số loại thuốc giảm đau, chống viêm gây hại cho gan và dạ dày.

  • Thực phẩm có nhiều purin

Nhiều purin trong thực phẩm có thể làm tăng lượng axit uric trong máu, gây ra đau nhức khớp. Người viêm khớp dạng thấp nên kiêng các loại thực phẩm như hải sản, thịt đỏ, mì chính, đồ hồi, sữa và trứng.

  • Thực phẩm có hàm lượng natri cao

Nhiều natri có thể làm tăng huyết áp, gây ra sưng tấy và viêm khớp. Người viêm khớp dạng thấp nên kiêng các thực phẩm chứa nhiều natri như muối, thịt mỡ, thức ăn nhanh, đồ hộp và các sản phẩm chế biến.

Những loại thực phẩm chia sẻ trong bài viết chỉ mang tính tham khảo. Để biết chính xác viêm khớp dạng thấp nên ăn gì, nên kiêng gì và ăn như thế nào, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được các chuyên gia khám và tư vấn chính xác nhất.

Bài viết liên quan:




Bài viết khác

Các phương pháp điều trị bệnh đau nhức xương khớp tại nhà

Bệnh phong thấp là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

Cứng khớp ngón tay vào buổi sáng sau khi ngủ dậy là bệnh gì?

Đau nhức cánh tay: nguyên nhân và phương pháp điều trị hiệu quả

Đau bả vai trái lan dần xuống cánh tay là bệnh gì?

Viêm khớp do bệnh tự miễn - hậu quả khi cơ thể chống lại chính mình



CÁC NHÃN HÀNG ECOGREEN