Gai khớp gối: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa

Gai khớp gối mới hình thành thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào đặc biệt, thế nên người bệnh rất khó phát hiện. Khi gai xương phát triển không chỉ gây đau nhức đầu gối mà còn có thể chèn ép lên dây thần kinh, khiến chân bị tê bì và mất cảm giác, làm giảm khả năng vận động.

Gai xương khớp gối

Gai khớp gối là những cựa xương nhỏ, thường xuất hiện trên bề mặt các xương đã bị mất lớp sụn bao bọc (xương bánh chè, xương chày và xương đùi). Gai xương nếu không phát hiện sớm, lớn dần và mọc thêm nhiều gai mới sẽ cản trở các cử động của khớp gối như co duỗi, ngồi xuống, đứng lên, leo cầu thang…

Tuy nhiên, lúc mới hình thành, gai xương gần như không gây ra dấu hiệu bất thường, thế nên nhiều người không biết mình đầu gối có gai xương. Vì vậy, hầu hết người bệnh gai xương đến bệnh viện thăm khám và điều trị đều ở giai đoạn nặng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chức năng vận động của khớp gối.

Gai xương đầu gối hình thành và phát triển theo 4 giai đoạn tương ứng với mức độ thoái hóa khớp. Mỗi giai đoạn sẽ có biểu hiện và mức độ tác động đến khớp khác nhau.

Ở giai đoạn chớm mọc gai, người bệnh sẽ không nhận thấy bất kỳ sự bất thường nào ở đầu gối. Chỉ khi co duỗi chân mạnh, đứng hoặc ngồi quá lâu, lên xuống cầu thang nhiều lần… khớp gối mới đau nhức nhẹ.

Gai xương bắt đầu “lớn lên”,  tình trạng viêm nhiều khiến cơn đau xuất hiện nhiều hơn và rõ ràng hơn, nhất là khi mưa lạnh, chuyển mùa. Giai đoạn này, người bệnh vẫn có thể thực hiện khá trơn tru các hoạt động thường ngày.

Bước sang giai đoạn này, kích thước của cựa xương tương đối lớn, kèm theo tình trạng hư hỏng nặng của sụn khớp, kích thích mọc thêm các gai xương mới, gây ra cảm giác nhức nhối ngay cả khi người bệnh nghỉ ngơi. Lúc này, ngoài cảm giác đau nhức dữ dội hơn, người bệnh còn bị sưng và cứng đầu gối, đặc biệt là vào sáng sớm.

Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất bởi gai xương không chỉ cọ xát vào phần xương khác mà còn gây tổn thương các mô mềm và chèn ép lên dây thần kinh ở khớp gối. Sự “lớn mạnh” của gai xương đồng thời phản ánh tình trạng viêm, thoái hóa khớp gối đã tiến triển nặng. Nếu không có biện pháp khắc phục kịp thời, bên cạnh cơn đau dai dẳng, người bệnh có thể phải đối mặt với nguy cơ teo cơ, biến dạng khớp gối làm suy giảm chức năng vận động.

Gai xương đầu gối gây đau nhức

Gai xương phát triển gây đau nhức và hạn chế cử động khớp gối

Theo đó, điều trị gai khớp gối tốt nhất là ở 2 giai đoạn đầu, khi mà sự tồn tại của gai xương chưa ảnh hưởng nhiều đến không gian khớp và quá trình viêm còn dễ kiểm soát. Chữa trị sớm sẽ phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm, bảo vệ cấu trúc khớp gối tối đa.

Gai xương là kết quả của việc thiếu sụn do viêm khớp, thoái hóa khớp gối gây ra. Nhìn nhận đúng bản chất của quá trình hình thành gai xương, chúng ta mới đánh giá chính xác mức độ nguy hiểm mà gai xương gây ra cho khớp gối.

1. Sự nguy hiểm của gai xương

Những cựa xương nhỏ mọc rải rác trên các đầu xương đã bị mòn sụn của khớp gối có thể gây ra hàng loạt vấn đề đối với khớp gối như:

  • Đau nhức và giảm cử động khớp.

  • Tổn thương mô mềm gồm gân, cơ và dây chằng.

  • Chèn ép lên dây thần kinh gây ra tình trạng tê bì, mất cảm giác ở cả cẳng chân và bàn chân.

2. Sự nguy hiểm của viêm khớp, thoái hóa khớp

Khi gai xương khớp gối thành hình nghĩa là sụn và xương dưới sụn đã bị ăn mòn bởi quá trình viêm, thoái hóa. Nếu không được điều trị đúng cách, viêm khớp và thoái hóa khớp tiến triển nặng sẽ khiến người bệnh gặp khó khăn trong việc đi lại, đứng – ngồi và bị đau nhức triền miên.

Thoái hóa khớp gối có gai xương khiến người bệnh dần né tránh với các hoạt động và chuyển động liên quan đến đầu gối vì sợ đau nhức. Lâu dần, việc hạn chế vận động có thể khiến các cơ hỗ trợ bắt đầu teo lại và mất sức mạnh, làm hạn chế khả năng giữ thăng bằng và ổn định chân.

Nguy hiểm hơn, quá trình viêm âm ỉ trong khớp theo thời gian sẽ phá hủy cấu trúc khớp gối, khiến nhiều người mất hoàn toàn khả năng cử động. Trong hoàn cảnh này, người bệnh buộc phải thực hiện phẫu thuật thay một phần hoặc toàn bộ khớp gối để khôi phục chức năng vận động.

Tình trạng khớp gối có gai chỉ thật sự biểu hiện rõ nét giai đoạn 3 và giai đoạn 4, bởi ở các giai đoạn này, gai xương bắt đầu gây áp lực lên các dây thần kinh và mô quanh khớp gây ra các dấu hiệu và triệu chứng sau:

  • Đau nhức, nhất là khi người bệnh cố gắng uốn cong hoặc di chuyển khớp, leo cầu thang.

  • Tê, ngứa và yếu chân.

  • Căng cứng khớp gối.

  • Giảm phạm vi chuyển động.

  • Viêm gân cơ(sưng tấy gối).

Đầu gối đau do gai xương

Đầu gối căng cứng khiến việc lên xuống cầu thang gặp khó khăn

Dù các triệu chứng không rõ nét ở giai đoạn đầu, nhưng nếu thật sự quan tâm đến sức khỏe xương khớp, bạn vẫn có thể nhận thấy điểm bất thường. Vậy nên, trong quá trình vận động, đừng bỏ qua bất kỳ “tín hiệu lạ” nào phát ra từ khớp gối, rất có thể đó là dấu hiệu gai khớp gối.

Cựa xương xuất hiện cản trở cử động của khớp gối, gây khó khăn cho người bệnh trong việc di chuyển, đứng/ngồi và thực hiện các công việc thường ngày. Do đó, cần tìm ra nguyên nhân hình thành gai xương ở đầu gối để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa tái phát, đảm bảo cuộc sống cho bệnh nhân.

1. Thoái hóa khớp gối

Nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến sự phát triển của gai xương là thoái hóa khớp gối. Bệnh thoái hóa khớp “ăn mòn” lớp sụn, để lộ đầu xương, kích thích gai xương khớp gối phát triển. Căn bệnh này không chỉ thúc đẩy quá trình gai hóa xương đầu gối, mà còn có thể phá vỡ toàn bộ cấu trúc khớp gối, dẫn đến liệt chi nếu không được chữa trị đúng cách.

Xem thêm

2. Bệnh viêm khớp tự miễn

Nhóm bệnh viêm khớp tự miễn, điển hình như viêm khớp dạng thấp là hậu quả của tình trạng rối loạn hệ miễn dịch. Lúc này, các tế bào miễn dịch phóng thích ra lượng lớn chất gây viêm (cytokines) tự tấn công chính khớp xương khỏe mạnh của cơ thể, dẫn đến phản ứng viêm tại khớp. Dưới sự bào mòn của các yếu tố gây viêm, sụn và xương dưới sụn sẽ không còn giữ được cấu trúc ban đầu, dần dần mọc lên những gai xương để bù đắp cho phần xương đã mất.

3. Chấn thương

Một số chấn thương phổ biến ở đầu gối, bao gồm: đứt dây chằng chéo trước (ACL), rách sụn chêm và trật khớp bánh chè làm tăng nguy cơ tổn thương sụn và thoái hóa khớp gối trong tương lai. Khi sụn khớp bị hư hỏng, bệnh thoái hóa khớp gối khởi phát, bệnh gai khớp gối sớm muộn cũng sẽ xảy ra.

4. Các nguyên nhân khác

Ngoài ra, người bệnh bị gai xương khớp gối còn có thể là do chịu tác động của những yếu tố nguy cơ sau đây:

  • Lão hóa cơ thể.

  • Lạm dụng đầu gối quá mức (như chạy hoặc nhảy nhiều trong thời gian dài).

  • Di truyền.

  • Ăn kiêng sai cách dẫn đến thiếu chất.

  • Thừa cân/béo phì.

  • Bệnh xương bẩm sinh, phổ biến là bệnh còi xương.

  • Hẹp ống sống.

Nguyên nhân gây gai khớp gối

Béo phì làm tăng nguy cơ thoái hóa, mọc gai xương ở đầu gối

Trong tất cả các nguyên nhân kể trên, mất sụn, hư hại xương dưới sụn do viêm khớp gối, thoái hóa khớp là nguồn cơn chính dẫn đến gai xương. Chính vì thế, những bệnh nhân đang điều trị các bệnh khớp mạn tính này cần cẩn thận rủi ro “mọc gai xương” khớp gối.

Chẩn đoán chính xác gai xương gối hình thành do đâu là điều quan trọng nhất để kiểm soát các triệu chứng, ngăn ngừa sự tiến triển của bệnh cũng như phòng tránh tổn thương thêm ở sụn và xương dưới sụn khớp gối. Hiện nay, công đoạn chẩn đoán gai xương nói chung được thực hiện thông qua các bước cụ thể sau:

  • Kiểm tra lâm sàng: Bác sĩ chuyên khoa chấn thương chỉnh hình sẽ sờ/ nắn khớp để đánh giá mức độ đau, sưng và yếu cơ do gai xương. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu người bệnh thực hiện các động tác co duỗi để kiểm tra phạm vi cử động của đầu gối, đồng thời hỏi người bệnh về các triệu chứng và tiền sử bệnh để loại trừ yếu tố nguy cơ giúp đưa ra chẩn đoán nhanh hơn.

  • Chụp X- quang: Phim chụp X- quang giúp bác sĩ nhìn thấy rõ sự hiện diện của gai xương xung quanh khớp gối, cũng như biết được kích thước và số lượng gai xương.

  • Chụp cắt lớp (CT scan)/Chụp cộng hưởng từ (MRI): Hình ảnh thu được từ hai kỹ thuật chụp chiếu này cho phép bác sĩ nắm bắt được tất cả tổn thương ở các tổ chức quanh khớp như dây chằng và gân…

  • Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: Kiểm tra tốc độ dẫn truyền thần kinh cho thấy, gai xương có gây ảnh hưởng đến các dây thần kinh quanh khớp gối hay không.

Tổng hợp kết quả từ các bước chẩn đoán, bác sĩ sẽ có đủ cơ sở để kết luận tình trạng và mức độ nguy hiểm của gai xương cùng quá trình viêm đang xảy ra tại khớp. Từ đó đưa ra giải pháp điều trị toàn diện, giúp triệt tiêu gốc rễ gai xương khớp gối.

Bản chất của phác đồ điều trị gai khớp gối chính là phác đồ chữa thoái hóa khớp, viêm khớp. Tùy vào từng giai đoạn tiến triển của gai xương và mức độ tổn thương của sụn khớp, người bệnh sẽ được bác sĩ chỉ định các giải pháp dưới đây:

1. Điều trị bằng thuốc

Thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm không kê đơn (OTC) có thể giúp giảm nhẹ các triệu chứng đau, sưng và viêm khớp gối. Cũng có trường hợp, bác sĩ áp dụng tiêm thuốc chống viêm sau khi gây tê cục bộ để đạt được được hiệu quả giảm đau và giảm viêm tốt hơn.

2. Vật lý trị liệu

Một chương trình vật lý trị liệu được thiết kế riêng cho mỗi bệnh nhân đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm các triệu chứng của gai xương khớp gối và ngăn ngừa sự mất sụn ở đầu gối. Bác sĩ sẽ đưa ra các bài tập cụ thể dựa trên kết quả đánh giá sức mạnh cơ bắp, phạm vi chuyển động và mức độ đau của khớp gối.

Sau một thời gian tập luyện, các cơ bao quanh đầu gối sẽ được tăng cường sức mạnh và khớp gối cũng trở nên linh hoạt hơn. Khi cơ bắp chắc khỏe sẽ hỗ trợ nâng đỡ trọng lượng cơ thể, giảm áp lực lên bề mặt khớp gối.

3. Phẫu thuật khớp gối

Nếu gai xương chèn ép lên dây thần kinh và các mô mềm quanh khớp, bác sĩ sẽ tiến hành phẫu thuật nội soi khớp gối để loại bỏ các cựa xương, đồng thời sửa chữa phần sụn bị hư hỏng, tái tạo khớp gối. Nội soi không cần mở đường mổ lớn, thế nên có thể giảm tối đa nguy cơ nhiễm trùng và đảm bảo tính thẩm cho đầu gối. Tuy nhiên, nếu khớp gối bị thoái hóa nặng, bác sĩ buộc phải áp dụng kỹ thuật mổ hở để thay khớp gối bán phần hoặc toàn phần.

Thoái hóa khớp gối là bệnh lý mạn tính không thể ngăn chặn hoàn toàn, mà một khi khớp gối bị thoái hóa, nguy cơ mọc gai xương là rất khó tránh khỏi. Nhưng, người bệnh có thể hạn chế sự phát triển của gai xương bằng cách tuân theo một lối sống khoa học.

Duy trì thói quen lối sống khoa học giúp giảm viêm, giảm căng thẳng và tổn thương cho khớp gối, hỗ trợ xoa dịu các triệu chứng và hạn chế hư hại sụn, xương dưới sụn, từ đó giảm hình thành gai khớp đầu gối. Lối sống tốt cho xương khớp được xây dựng dựa trên những tiêu chí gồm:

  • Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh với những thực phẩm tươi sạch, giàu dưỡng chất thay vì đồ ăn thức uống chế biến sẵn. Bên cạnh đó, bổ sung tinh chất thiên nhiên có tác dụng hỗ trợ giảm viêm, giảm đau và làm chậm thoái hóa khớp gối như Eggshell Membrane, Collagen Type 2 không biến tính, Collagen Peptide, Turmeric Root, Chondroitin Sulfate…

  • Tập thể dục mỗi ngày (tối thiểu 30 phút) với các bài tập yêu thích.

  • Ngủ đủ giấc (7- 8 tiếng/ ngày).

  • Cung cấp đủ nước cho cơ thể (khoảng 2 – 2,5 lít).

  • Giữ thái độ tích cực, tránh căng thẳng kéo dài.

  • Giảm các hoạt động có tác động mạnh và lặp đi lặp lại ở khớp gối.

  • Quản lý cân nặng ở mức phù hợp (giữ chỉ số BMI ở mức 18,5 – 24,9).

  • Giữ tư thế đúng khi làm việc và vận động.

  • Luôn khởi động xương khớp và sử dụng dụng cụ hỗ trợ khi tập luyện.

Quan trọng nhất là đi khám bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở khớp gối như đau, sưng hoặc cứng. Nếu phát hiện và điều trị sớm, chúng ta vẫn có thể kiểm soát được những tổn thương sụn, xương dưới sụn, ngăn hình thành gai khớp gối.

14:11 24/08/2023
Share Facebook Share Twitter Share Pinterest

Bài viết khác


Những thông tin, bài viết trên website Jex.com.vn chỉ dành cho mục đích tham khảo, tra cứu thông tin. Không thay thế cho việc chẩn đoán, khám và điều trị y khoa. Do đó JEX không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ