Đau nhức xương khớp nên chườm nóng hay chườm lạnh?
Chườm lạnh hoặc chườm nóng là cách xoa dịu cơn đau hiệu quả tại nhà khi khớp bị viêm sưng hoặc bong gân, trật khớp. Tuy nhiên, chúng ta cần phải biết trường hợp nào nên chườm lạnh, trường hợp nào cần chườm nóng để tránh “phản tác dụng”, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe xương khớp.
Chườm lạnh, hay chườm nóng cũng phải đúng cách mới giảm đau hiệu quả và an toàn
Kiến thức chung về chườm lạnh
Chườm lạnh là việc sử dụng hơi lạnh một cách gián tiếp hoặc trực tiếp tại vùng cần điều trị. Liệu pháp này giúp co mạch máu, giảm lưu lượng máu đến vùng bị thương, từ đó làm chậm quá trình viêm và giảm nhẹ sưng tấy cũng như tổn thương mô xung quanh vị trí chườm.
Quan trọng hơn, chườm lạnh có tác dụng như “thoa thuốc tê”, giúp ngăn chặn dẫn truyền đau lên não. Phương pháp này mang lại hiệu quả tốt nhất trong khoảng 48 giờ bắt đầu từ khi cơn đau xuất hiện.
Các cách chườm lạnh phổ biến
-
Cách 1: Sử dụng túi chườm lạnh (túi chườm lạnh y tế hoặc túi chườm lạnh bằng hóa chất) đặt lên vùng bị đau trong khoảng 15 - 20 phút và mỗi ngày làm như vậy khoảng 3 - 4 lần (mỗi lần cách nhau khoảng 6 tiếng).
-
Cách 2: Đắp một chiếc khăn mềm đã được làm lạnh lên vị trí phát ra cảm giác đau và giữ như vậy cho đến khi khăn hết lạnh.
-
Cách 3: Đắp một chiếc khăn mềm trên vị trí sưng đau. Dùng một viên đá lăn quanh khu vực bị thương theo chuyển động tròn khoảng 5 phút và làm 2 lần mỗi ngày.
Ngoài ra, để phần bị đau như tay, chân trực tiếp vào chậu nước lạnh (không phải là chậu chứa đá cục, đá tảng) cũng là cách chườm lạnh được nhiều người áp dụng. Tùy vào mức độ đau cũng như điều kiện của bản thân, các bạn có thể lựa chọn cho mình một liệu pháp chườm lạnh phù hợp.
Vấn đề xương khớp nên áp dụng chườm lạnh
Chườm lạnh được sử dụng phổ biến cho những trường hợp bị đau nhức xương khớp, nhưng không phải tất cả, cụ thể như sau:
-
Bong gân, trật khớp do chấn thương thể thao, tai nạn giao thông hoặc lao động…
-
Bệnh gout giai đoạn cấp tính
-
Viêm xương khớp cấp tính
-
Đau lưng trên hoặc đau lưng dưới
-
Đau khớp gối
Đầu gối bị đau nhức và sưng tấy nên áp dụng chườm đá để xoa dịu tình trạng này.
Tóm lại, những cơn đau xương khớp do chấn thương, bệnh lý cấp tính, vận động quá mức hoặc sinh hoạt và làm việc sai tư thế là nhóm đối tượng nên chườm lạnh. Hơi lạnh sẽ giúp xoa dịu cơn đau và hạn chế sưng tấy đem lại cảm giác dễ chịu hơn, thoải mái hơn.
Kiến thức chung về chườm nóng
Mục đích của phương pháp chườm nóng gần như đi ngược lại với chườm lạnh bởi vì hơi nóng sẽ làm giãn mạch máu, từ đó thúc đẩy lưu thông máu giúp các vùng bị đau nhức và căng cứng được thư giãn. Thêm vào đó, hơi nóng tỏa ra còn có có công dụng vô cùng đặc biệt đó là điều hòa thần kinh cảm giác giúp con người cảm nhận về cơn đau một cách nhẹ nhàng hơn.
Các cách chườm nóng phổ biến
-
Cách 1: Dùng sản phẩm tích nhiệt như tấm đệm sưởi điện, túi chườm nóng, đai quấn nóng hoặc bình nước nóng tác động nhiệt lên vị trí bị đau.
-
Cách 2: Trị liệu giảm đau bằng sáp parafin. Bạn có thể đắp parafin để nguội khoảng 43 độ lên vùng bị đau hoặc nhúng nhanh bàn chân, ngón chân, bàn tay, ngón tay vào sáp parafin (lưu ý: Nhúng vào sáp rồi rút ra ngay lập tức).
-
Cách 3: Ngâm bộ phận bị đau trong bồn tắm hoặc chậu nước nóng từ 33 - 37,7 độ (có thể là tắm bùn hay suối khoáng nóng).
Hiện nay, bên cạnh những cách chườm nóng cơ bản này, bạn có thể sử dụng miếng giữ nhiệt để dán trực tiếp lên vị trí cần giảm đau. Hiệu quả giảm đau của chườm nóng có thể ít, có thể nhiều tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau của mỗi người.
Vấn đề xương khớp nên chườm nóng
Trái với chườm lạnh, chườm nóng phù hợp với những trường hợp đau do bệnh lý mạn tính hoặc đau sau chấn thương 48 giờ, bao gồm:
-
Viêm xương khớp mạn tính
-
Bệnh gout mạn tính
-
Viêm gân
-
Đau lưng (cả lưng trên và lưng dưới)
-
Đau cổ, đau vai do chấn thương
-
Đau khớp gối
Đối với những trường hợp như đau lưng, đau cổ, đau vai hay đau khớp gối do chấn thương, chúng ta có thể áp dụng cả chườm nóng và chườm lạnh. Tuy nhiên, chỉ nên chườm nóng sau khi đã chườm lạnh trong khoảng 72 tiếng.
Một số lưu ý khi chườm lạnh, chườm nóng để giảm đau xương khớp
Không chỉ cần áp dụng đúng đối tượng, để giảm đau tối đa cũng như bảo đảm an toàn cho sức khỏe cơ thể nói chung và sức khỏe xương khớp nói riêng, khi chườm nóng hoặc chườm lạnh, các bạn cần chú ý những vấn đề sau:
Đối với chườm lạnh
-
Không nên chườm lạnh nếu có nguy cơ bị chuột rút, vì hơi lạnh có thể làm cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn.
-
Không chườm lạnh lên khu vực bị tê, mất cảm giác.
-
Không chườm đá lên vị trí có vết thương hở hoặc da bị phồng rộp.
-
Không chườm lạnh cho người có tiền sử bệnh hoặc chấn thương mạch máu, rối loạn thần kinh giao cảm.
Không giảm đau bằng cách chườm lạnh khi vùng da quanh vị trí tổn thương bị phồng rộp
Đối với chườm nóng
-
Không chườm nóng lên vùng bị tổn thương đang có biểu hiện nóng, đỏ.
-
Không chườm nóng lên vết thương hở hoặc vùng bị tê liệt (mất cảm giác).
-
Không chườm nóng cho người mắc vấn đề về thần kinh ngoại biên hoặc rối loạn thần kinh giao cảm.
Như vậy, chườm nóng thích hợp khi muốn giảm cơn đau mạn tính như viêm khớp hay viêm khớp dạng thấp (RA), còn chườm lạnh thường mang lại hiệu quả đối với những trường hợp bị đau cấp tính do chấn thương như bong gân, trật khớp. Và một điều quan trọng cần phải làm rõ đó là vai trò của chườm nóng, chườm nóng chỉ dừng lại ở việc giúp giảm nhẹ cơn đau tạm thời chứ không phải là giải quyết nguyên nhân.
Muốn loại bỏ cơn đau tận gốc, chúng ta cần một phác đồ điều trị chấn thương và bệnh lý xương khớp chuẩn y khoa. Cùng với đó, chủ động chăm sóc và bảo vệ hệ xương khớp chắc khỏe từ bên trong cũng sẽ góp phần đẩy lùi cơn đau nhanh chóng hơn.
Vì vậy, khi bị đau nhức xương khớp, các bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa thăm khám sớm nhất có thể và đừng quên nuôi dưỡng, cải thiện độ dẻo dai của xương khớp bằng cách:
-
Bổ sung dưỡng chất chuyên biệt từ JEX thế hệ mới giúp giảm sản sinh các chất gây viêm, ngừa viêm khớp, thoái hóa khớp, tái tạo sụn và xương dưới sụn, cho xương khớp chắc khỏe. Đặc biệt, JEX thế hệ mới còn hỗ trợ giảm đau xương khớp hiệu quả nhờ ngăn chặn không làm viêm tiến triển, giúp sụn khớp chuyển động êm trơn.
-
Xây dựng khẩu phần ăn uống cân đối và đầy đủ các chất dinh dưỡng.
-
Tích cực tập luyện thể dục thể thao và duy trì thói quen vận động mỗi ngày.
-
Tránh thay đổi tư thế chưa đúng (khom lưng, ngồi vắt chéo chân, lệch vai...).
-
Hạn chế các hoạt động tạo áp lực lên xương khớp (khuân vác nặng, đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu…).
Chườm lạnh và chườm nóng là cách giảm đau nhanh, có thể ứng dụng trong nhiều điều kiện và hoàn cảnh khác nhau. Khi vận dụng vào thực tế, các bạn hãy chú ý những kiến thức mà chuyên gia Jex thế hệ mới đã chia sẻ trong bài viết để xoa dịu cơn đau hiệu quả và an toàn.